Lịch Sử Giấy Xoắn

Trước Việt Nam nghệ thuật quilling hay còn gọi là nghệ thuật giấy cuốn đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Chưa có tài liệu nào nói rõ về nguồn gốc của nghệ thuật này, người ta vẩn hiểu nghệ thuật giấy cuốn bắt đầu sau khi người ta phát minh ra giấy ở Trung Hoa, tuy nhiên một vài phát hiện khác về tranh nghệ thuật lại cho rằng nghệ thuật giầy cuốn xuất hiện ở thời Ai Cập cổ đại, điều chắc chắn là nó đã có một bề dày lịch sử và đã lưu hành khắp nơi trên thế giới. Một số phát hiện khác là trong những năm 300 – 400 sau công nguyên, sợi bạc và vàng dùng để quấn xung quanh những cột và bình lọ dán phối hợp với những loại ngọc đá tuyệt đẹp theo như kỹ thuật cuộn giấy này. Trong những năm 1200 nghệ thuật này khá phổ biến đến khi kim loại màu trở nên khan hiếm và khó làm bằng tay giấy màu đã được dùng để thay thế.

Những tài liệu về tranh giấy cuốn ghi nhận được từ những năm 1200 nhưng thật sự rõ nét từ năm 1500 và 1600 khi những bà sơ Pháp và Ý sử dụng những viền rách trong những cuốn kinh thánh và lông ngỗng cuộn lại để trang trí cho những vật phẩm tôn giáo và tranh ảnh. Việc sử dụng lông ngỗng đã biến thành thuật ngữ tranh giấy cuốn, chữ quilling nguyên nghĩa là lông ngỗng, các bà sơ sử dụng lông ngỗng tái tạo lại các vật trang trí phức tạp bằng kim loại rèn đúc hoặc những vật chạm trổ bằng ngà voi, họ không dùng vàng và bạc mà dùng giấy để hoàn tất công việc.

Giới mệnh phụ trưởng giả làm tranh giấy cuốn năm 1600 và vào đầu những năm 1700, thời kỳ Stuart, những sự kiện lịch sử cho thấy nghệ thuật giấy cuốn đã trở nên phổ thông vào đầu những năm 1700 tới những năm 1800, thời đại George ở châu Âu và nước Anh đến mức nghệ thuật giấy cuốn trở thành mốt (mode) và sở thích riêng tư của các thiếu nữ và là một bộ môn trong các trường học. Các thiếu nữ có thể tự do thể hiện sự khéo léo thông qua các mẫu hoa văn bằng giấy cuốn, họ trang trí màn che, tủ bếp, khung hình, hộp đựng trà, bàn chơi bài, giỏ, hộp đựng đồ nghề, bình pha rượu, giường tủ bàn ghế và nhiều vật dụng khác. Nhưng nghệ thuật giấy cuốn không phải là thú tiêu khiển đối với phụ nữ lao động, bởi phụ nữ lao động không đủ tiền bạc để mua sắm những vật liệu như kim loại, mica, mảnh ốc sò thường dùng để làm nền trang trí. Hơn nữa chỉ có phụ nữ giai cấp thượng lưu mới có đủ thời gian rãnh rỗi để làm công việc đòi hỏi sự tỉ mỹ này.

Ở trường học người ta quảng bá nghệ thuật này thành bộ môn trong giáo trình giảng dạy. Những mẫu làm bằng giấy cuốn này vẫn còn tồn tại, ngày tháng và tên của các trường nữ sinh, trường học được vẽ nền phía sau bằng bút chì. Nghệ thuật này biến thành phổ thông đến năm 1800, thời đại Regency, và trở nên mờ dần vào cuối những năm 1800. Một số cố gắng tái tạo lại vào cuối những năm 1800 sau đó nhưng cũng không thành công. Các di dân đã đem nghệ thuật này vào nước Mỹ và đã trải qua nhiều giai đoạn để phục hưng cho đến ngày nay.

Nghệ thuật quilling hay còn gọi là nghệ thuật giấy cuốn là loại hình nghệ thuật độc đáo thể hiện sự sáng tạo kỳ diệu của bàn tay, khối óc và đức tính của con người, thông qua việc sử dụng từng sợi giấy nhỏ cuộn lại, dán khảm trên nền các chất liệu khác nhau đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, mang lại cho giấy nét hồn riêng độc đáo và mang đến cho hội họa một hơi thở mới.